Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Nghệ sĩ Việt ngậm ngùi tiếc nhớ Phạm Duy

Ánh Tuyết: “Buồn khi không kịp mang đĩa đến tặng ông!”

Từ khi học lớp 3, lớp 4 tôi đã biết hát và yêu nhạc Phạm Duy. Ngày ấy, tuy chưa hiểu hết ý nghĩa của những ca khúc như Tình hoài hương, Đưa em tìm động hoa vàng, Ngày xưa Hoàng Thị, Áo anh sứt chỉ đường tà… tôi đã say mê và ngấm vào lòng những giai điệu trữ tình ấy. Ngày đó, ở quê, tôi còn được mọi người gọi với nickname là “Tình hoài hương” vì còn bé tý mà đã thể hiện thành công nhạc phẩm này.

Ánh Tuyết thăm Phạm Duy ngày ông nằm cấp cứu ở bệnh viện cách đây không lâu.

Trên con đường âm nhạc của mình, tôi dành cho Phạm Duy sự kính trọng, yêu mến gia tài âm nhạc đồ sộ mà ông để lại. Trong nhạc Phạm Duy có tình yêu quê hương, yêu đất nước, cuộc sống… nhưng nhiều nhất là sự đa tình – tình yêu đôi lứa…. thứ tình yêu duyên dáng, mặn mà, rất Việt Nam mà hiện đại.

Từ lâu tôi đã ấp ủ thực hiện album nhạc riêng về nhạc sĩ Phạm Duy. Nhưng do thời gian, do bận bịu và nhiều yếu tố khách quan, đến gần đây tôi mới có thể bắt tay vào thực hiện. Những ngày cuối đời, ông đều giữ sự vui vẻ, lạc quan và rất vui khi mỗi khi tôi ghi âm được bài hát nào đó gửi qua email cho ông nghe. Tôi rất buồn khi chưa kịp hoàn thành bộ 3 album này để đến khoe với ông như mong muốn.

Cẩm Vân: “Ông ra đi để lại mất mát lớn cho nền âm nhạc!”

Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời là một mất mát lớn của nền tân nhạc Việt Nam. Tôi nhớ tiếc vừa ở góc độ một người ca sĩ thể hiện nhạc phẩm của ông vừa như một khán giả yêu thích các ca khúc của Phạm Duy. Chỉ cần nhìn vào gia tài hàng nghìn sáng tác của ông, mà phần lớn đều hay, đều đi vào lòng người nhờ vào sự hòa quyện giữa nét hiện đại và truyền thống, mới thấy được sức làm việc đáng nể cũng như sự đóng góp rất lớn của ông cho âm nhạc Việt.

Ca khúc của ông, dù sáng tác hay phổ thơ, đều tinh tế, tài hoa về giai điệu, truyền thống ra truyền thống, hiện đại ra hiện đại. Trong số các sáng tác ấy, tôi yêu nhất là bài hát Áo anh sứt chỉ đường tà. Mỗi lần thể hiện nhạc phẩm này, tôi đều cảm phục nhạc sĩ ở việc ông dồn nén được mọi cung bậc cảm xúc vào bài hát. Mọi hỷ, nộ, ái, ố… đều được gửi vào nhạc điệu.

Quang Hà: “Ông có nhiều ca khúc đi vào lòng người!”

Quang Hà khá bàng hoàng khi nhận được tin Phạm Duy Mất. Anh cho biết, những ca khúc của Phạm Duy đã đi vào lòng người mộ điệu trong và ngoài nước. Sự ra đi của ông là một mất mát lớn cho nền âm nhạc Việt Nam. Nam ca sĩ Hà Nội chia sẻ, anh thường chọn ca khúc Cây đàn bỏ quên để hát thường xuyên trong các phòng trà ca nhạc tại TP HCM và được nhiều người yêu mến. Đây cũng là bài hát “tủ” của anh trong sự nghiệp ca hát.

Ca sĩ Mỹ Lệ.

Mỹ Lệ: “Phạm Duy đã sống trong sự yêu thương của mọi người”

Đang chuẩn bị cho đêm nhạc Cặp đôi hoàn hảo, khi được biết thông tin Phạm Duy qua đời, Mỹ Lệ cũng không khỏi chua xót.

Chị bùi ngùi, hiếm có một nhạc sĩ nào có tinh thần lạc quan và yêu đời như Phạm Duy. “Con người già rồi cũng có lúc phải ra đi nhưng nhìn lại quãng đời của nam nhạc sĩ, ông có phúc vì được sống trong sự yêu thương của người hâm mộ”, chị nói.

Nữ ca sĩ cho biết, chị từng có vinh dự thể hiện các tác phẩm của ông: Tôi đang mơ giấc mộng dàiKiếp nào có yêu nhau, Tiếng đàn tôi, Kiếp nào mói yêu nhau. Theo chị, nhạc Phạm Duy đòi hỏi ca sĩ có một quãng rộng và nội lực thâm hậu. Chị cho rằng, âm nhạc của ông vừa bác học vùa gần gũi, thân quen.

Nhạc sĩ Quốc Bảo: “Phạm Duy để lại màu sắc âm nhạc chỉ riêng ông có!”

Nhạc sĩ Quốc Bảo chia sẻ trên trang các nhân: “Ở ngoài đời, tôi chỉ trò chuyện với ông đúng ba lần: khi ông về nước lần đầu, khi làm đĩa Những bài tình Duy Quang (2005) và khi làm concert Đêm Hiền cho chị Thái Hiền (2006). Nhưng Phạm Duy là nguồn cảm hứng và ảnh hưởng lớn đến âm nhạc của tôi (giai đoạn Vàng Son) vì bằng tài năng của ông, ông đã ‘bắt’ tiếng Việt và ngũ cung Việt phải vang lên một cách đẹp đẽ nhất, thiết tha nhất, giàu âm hưởng nhất. Gần như một mình một cách không lẫn vào đâu, bằng những sáng tạo về lai ghép điệu thức, ông đã rải thảm hoa với màu sắc chỉ riêng ông có, cho khu vườn ca khúc Việt. Tôi viết đoạn này để tưởng niệm ông”.

Ca sĩ Tùng Dương bên nhạc sĩ Phạm Duy.

Tùng Dương: “Quá buồn về sự ra đi của ông

Tôi đang thu âm thì nhận được tin về cái chết của Phạm Duy. Tôi quá buồn và không thể hát được nữa trước hung tin này. Không thể buồn hơn được nữa… Tôi là một trong nhiều ca sĩ yêu nhạc của ông. Sự ra đi của ông khiến không chỉ tôi mà hàng ngàn người yêu nhạc Việt Nam phải tiếc thương. Tôi dành một phút cúi đầu trước vong linh của ông.

Tang lễ nhạc sĩ Phạm Duy được tổ chức tại tư gia ở Lê Đại Hành, Phường 13, Quận 11, TP HCM. Lễ nhập quan diễn ra lúc 9h ngày 28/1. Lễ động quan lúc 6h ngày 3/2. Nhạc sĩ Phạm Duy sẽ yên nghỉ tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương.

Hoàng Dung – Thoại Hà ghi


Nghệ sĩ Việt ngậm ngùi tiếc nhớ Phạm Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét